THỤY ĐIỂN ĐANG NHẬP KHẨU RÁC TỪ CÁC QUỐC GIA KHÁC

TẠI SAO THỤY ĐIỂN ĐANG NHẬP KHẨU RÁC TỪ CÁC QUỐC GIA KHÁC?

Thụy Điển – “Đất nước không bao giờ ngủ” - iVIVU.com

 

Bất chấp áp lực gia tăng từ biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nhiên liệu hóa thạch, Thụy Điển đã giải quyết thành công một trong những bài toán lớn nhất của nhân loại.

 

Cuối năm 2016, Chính phủ Thụy Điển đã gặp phải một vấn đề vô cùng độc đáo. Đó là quốc gia này đã hết toàn bộ rác thải.

 

Đây là hệ quả nhờ chương trình tái chế rác thải thành năng lượng (WTE), được xem như một cuộc cách mạng tại quốc gia này, giúp loại bỏ gần như 100% rác thải đến từ quá trình sinh hoạt của người dân.

 

Khi rác đã hết, chính quyền Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu thêm rác từ những nơi khác trên thế giới. Lần lượt Anh, Na Uy, Ý... đã trả tiền để Thụy Điển đến lấy rác và xử lý rác giúp họ

 

Cũng kể từ đó, rác thải được xem như một nguồn tài nguyên năng lượng có giá trị, chứ không phải là thứ mà nhiều quốc gia "vứt đi không hết".

 

CUỘC CÁCH MẠNG TÁI CHẾ CỦA THỤY ĐIỂN BIẾN RÁC THÀNH NĂNG LƯỢNG

Thụy Điển đã thành công và đang hưởng lợi từ việc biến rác thải thành năng lượng

 

Theo các chuyên gia, thế giới đang hướng tới mức tăng 2oC do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của khí nhà kính.

 

Trong đó, nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm, còn nhu cầu năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2030. Rõ ràng, khi dân số thế giới tiếp tục tăng, thì việc sản sinh chất thải cũng sẽ tăng mạnh.

 

Trước những dự đoán ảm đạm này, Thụy Điển đã xác định cơ hội của mình trong "đại dương xanh". Quốc gia này hiểu rằng sự khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu đều là xu hướng không thể đảo ngược, và xảy ra với một quỹ đạo rõ ràng.

 

Họ dần tiến tới khởi động cuộc cách mạng tái chế, với mục tiêu là biến chất thải thành năng lượng.

 

Những nỗ lực đầu tiên bắt đầu từ năm 1950 đến 1960 của thế kỷ 20, khi chính phủ Thụy Điển yêu cầu ngừng đưa rác thải đến các bãi chôn lấp, ủ phân compost hay thiêu đốt như thông thường.

 

Thay vào đó, họ gửi chúng đến các nhà máy năng lượng, nơi rác thải được xử lý trong một quá trình khép kín. Thành phẩm từ quá trình này là điện năng được cung cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

 

Vì sao Thụy Điển phải nhập khẩu rác từ các quốc gia khác? - 6

 

15 năm sau, nhờ chiến lược WTE được triển khai tích cực, họ thậm chí đã phải nhập khẩu thêm hàng triệu tấn rác thải từ Anh, Na Uy, Ý và Ireland... chỉ để duy trì hoạt động của các nhà máy, bởi rác nay đã hết.

 

Khi nói Thụy Điển hết rác, hãy nhớ rằng người Thụy Điển vẫn tạo ra rác thải, giống như phần còn lại của thế giới. Họ chỉ đơn giản là sử dụngchất thải đó với hiệu suất tới 99%.

 

Trong đó, chỉ 1% rác thải ở Thụy Điển được đưa đến bãi chôn lấp. 52% được chuyển thành năng lượng và 47% còn lại được tái chế.

 

Vào năm 2015, gần 2,3 tấn chất thải đã được biến thành năng lượng tại một trong 32 nhà máy của quốc gia. Hơn 900.000 ngôi nhà được sưởi ấm nhờ rác chuyển hóa thành năng lượng.

 

Vào năm 2020, Thụy Điển tái chế được 87% chai nhựa PET, 87% lon nhôm, 61% vật liệu đóng gói. Rác thải thực phẩm cũng được chuyển đổi thành khí sinh học thân thiện với môi trường, được dùng để chạy xe buýt công cộng và sưởi ấm cho các tòa nhà chung cư.

 

Nhờ quá trình này, Thụy Điển ước tính góp phần làm giảm khoảng 2,2 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.

 

Không quốc gia nào làm tốt như Thụy Điển, khi họ đưa khái niệm tái chế rác vào sách giáo khoa, cũng như thấm nhuần tư tưởng này cho các em học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

 

Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được dạy về rác tái chế, cũng như biến nó thành một lối sống khoa học trong các cộng đồng dân cư.

 

Các giáo viên phải trải qua một khóa đào tạo đặc biệt, nhằm mục đích truyền cảm hứng cho giới trẻ tham gia vào các hoạt động thực tế để bảo vệ môi trường, tái chế rác thải.

 

Chính phủ Thụy Điển đã làm cho việc tái chế trở nên dễ dàng, dễ tiếp cận và thuận tiện. Tại đây, có thể tìm thấy một trạm tái chế trong phạm vi tối đa 300 mét từ bất kỳ khu dân cư nào.

 

Những ưu đãi cũng được đưa ra, nhằm khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống tái chế, như nhận được phiếu giảm giá khi mua hàng, hoặc một phần thưởng nào đó.

 

Tuy nhiên, điều thiết thực nhất có lẽ chính là việc lượng rác thải mà một người dân đưa đi chuyển hóa sẽ trở thành điện năng được đưa vào chính ngôi nhà của họ.

 

Nói cách khác, bạn có thể tự tạo ra điện cho quá trình sinh hoạt của mình bằng cách đưa rác tới các khu tái chế.

 

Việc phát triển theo một đường lối rõ ràng và có sự đồng lòng từ người dân giúp Thụy Điển thành công trong việc biến gánh nặng rác thải với chi phí cao thành một hoạt động kinh doanh có lãi, và góp phần bảo vệ môi trường.

 

Bất chấp áp lực gia tăng từ biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nhiên liệu hóa thạch, họ đã tự mình giải quyết một trong những bài toán lớn nhất của nhân loại.

 

Bên cạnh đó, họ cũng trở thành quốc gia tiên phong trong ngành tái chế, tạo ra "đại dương xanh", kết hợp được cả 3 yếu tố quan trọng, là công nghệ, trách nhiệm xã hội và hiệu quả chi phí.

 

Ngày nay, mỗi hộ gia đình Thụy Điển vẫn luôn tự động phân loại rác thải mà chẳng cần ai nhắc nhở. Giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện gia dụng, pin... thậm chí cả thực phẩm. Tất cả đều sẽ được tái sử dụng.

 

Giấy được nghiền thành vụn để tạo ra giấy mới, chai nhựa bị nung chảy để tạo ra vật dụng mới; thực phẩm thừa trở thành phân bón hoặc khí sinh học.

 

Thậm chí đến các hiệu thuốc cũng chấp nhận mua lại thuốc thừa, khiến rác thải y tế ở đây gần như không có.

 

Việt Nam mỗi ngày đang có khoảng 120 nghìn tấn rác thải sinh hoạt được tạo ra, nếu chúng ta có thể học theo cách làm của Thụy Điển thì trong tương lai sẽ có một nguồn năng lượng khổng lồ thay thế cho nguồn năng lượng hóa thạch. Và quan trọng hơn cả là chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề rác thải tồn đọng bao nhiêu năm qua thay vì phần lớn đem đi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường như cách làm hiện nay.

  
16/08/2023
Hoàng Minh

Viết bình luận của bạn

Zalo Kim Trường Phúc
Facebook Kim Trường Phúc
Hotline Kim Trường Phúc